Toà án Di trú Thái Lan không dẫn độ Lý Tống Về Việt Nam


Ông Lý Tống được hoàn toàn tự do

2007.04.03
Gia Minh, phóng viên đài RFA
Hôm nay, Toà Phúc thẩm Thái Lan tại Bangkok đưa vụ án cựu phi công Lý Tông ra xét xử, và đã tuyên bố phóng thích ông. Biên tập viên Gia Minh của Đài chúng tôi có mặt tại phiên toà và gửi về bài tường trình sau đây.
Sau 10 giờ 50 phút ngày 3 tháng 4 năm 2004, ông Lý Tống trở thành người tự do trở lại. Sự việc đó xảy ra với phán quyết của toà phúc phẩm Thái Lan tại Bangkok.
Phiên toà phúc thẩm bắt đầu từ lúc 9:45 phút cùng ngày, và vị thẩm phán chủ toạ phiên xử đọc bản kết luận trong vòng không đầy năm phút.
Khi thẩm phán đọc đến đoạn tha bổng cho Lý Tống thì chính ông chưa hiểu hết vì người phiên dịch chưa kịp diễn giải thì một số phóng viên có mặt trong phòng xử án đã đứng lên tiến đến và cho ông biết về điều đó.
Vui mừng
Ông Lý Tống trong bộ đồ tù Thái Lan, áo nâu không cổ, tay ngắn, bản lai tay áo đỏ, quần lửng màu đỏ nhạt, hai chân bị xiềng, tỏ ra vui mừng khi hiểu trọn vẹn phán quyết của toà phúc thẩm trả tự do cho ông.
Thái độ vui mừng của ông cũng chừng mực, và ông cũng có thái độ ung dung tự tại như trước khi phiên xử phúc thẩm diễn ra. Mái tóc bạc được buộc túm sau gáy, đeo kính trắng, và miệng luôn tươi cười khi trả lời câu hỏi của các nhà báo.
Nay thì không thể thuê hay có một máy bay để làm những việc như trước nhưng có nhiều cách khác để đấu tranh.
Ông Lý Tống
Trong khi đi cùng hai quản giáo ra khỏi phòng xử, các phóng viên báo chí của một số cơ quan truyền thông tại Thái Lan, và những cơ quan báo chí Việt Nam, ông Lý Tống đã phát biểu cảm tuởng của ông như sau: “Đối với tôi là bình thường vì từng ở tù 21 năm rồi”.
Trả lời câu hỏi của cánh nhà báo về kế hoạch sắp đến thì ông cho biết sẽ trở về Hoa Kỳ và có những phương pháp đấu tranh khác để phục vụ cho quê hương ông.
Ngay trước phiên xử khi chúng tôi tiếp xúc với ông qua hai làn cửa sắt thì ông bày tỏ hy vọng là chính phủ của thủ tướng Surayud Chulanot sẽ có hành xử khác với chính quyền của cựu thủ tướng Thaksin.
Theo lời ông Lý Tống thì chính thủ tướng Surayud đã có thời gian chiến đấu tại miền nam Việt Nam nên ông này không thể hành xử bằng cách đưa một cựu phi công miền nam trở lại vùng đất mà chính ông Surayud đã một thời từng tham chiến.
Trong cuộc trò chuỵện trước phiên xử phúc thẩm, ông Lý Tống cũng cho biết nếu đươc trả tự do thì từ nay ông không thể tiếp cận các loại máy bay để có thể sử dụng chúng đi rải truyền đơn như hai lần trong quá khứ, nhưng có nhiều cách để đấu tranh cho đất nước: “Nay thì không thể thuê hay có một máy bay để làm những việc như truước nhưng có nhiều cách khác để đấu tranh”.
Hành vi chính trị
Luật sư Worasit Piriyawiboon, nhắc lại căn cứ pháp lý để toà phúc thẩm bác bỏ yêu cầu dẫn độ ông Lý Tống về Việt Nam mà chính quyền Hà Nội đưa ra với Thái Lan rằng:
“Bị cáo đã bay về Việt Nam để rải truyền đơn chống chính phủ Hà Nội, đó là hành vi chính trị chứ không phải tội phạm có thể gây hại cho người dân và nhà cầm quyền Việt Nam.
Chính quyền Hà Nội viện lẫn lý do phải dẫn độ ông Lý Tống dựa theo những tội hình sự khác của Việt Nam; thế nhưng hành động của ông Lý Tống là duy chỉ vì mục đích chính trị; và rõ ràng chính quyền Hà Nội muốn trừng phạt ông Lý Tống vì lý do chính trị.
Ông Lý Tống tại phòng giam của Toà Phúc Thẩm Thái Lan trước khi có phán quyết hôm 3-4-2007. PHOTO RFA/ Pimuk.
Yêu cầu này đi ngược lại với Luật Dẫn độ cũng như luật hình sự của Thái Lan. Do đó yêu cầu dẫn độ của Việt Nam là không có hiệu lực, và toà phúc thẩm phải tuyên trắng án cho bị cáo”.
Toà hình sự Thái Lan hồi tháng chín năm ngoái đưa ra phán quyết sẽ trao trả ông Lý Tống cho Hà Nội để Việt Nam xét xử tội ông bay về Việt Nam rải truyền đơn hồi năm 2000.
Theo Hà Nội thì ông Lý Tống vi phạm hai điều trong bộ luậthình sự cuả Việt Nam: thứ nhất là phát tán tài liệu chống phá nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thứ hai là đe doạ an ninh quốc gia Việt Nam.
Hà Nội vin vào đó để yêu cầu phía Thái Lan cho dẫn độ ông Lý Tống về Việt Nam để xét xử. Phát ngôn nhân Bộ Tư Pháp Thái Lan Tongthong Chandrasu hồi tháng 7 năm 2005 cho biết là Bộ truởng Tư pháp Việt Nam Uông Chu Lưu trong chuyến viếng thăm Xứ Thái vào thời điểm đó đưa ra lời yêu cầu dẫn độ ông Lý Tống. Trong chuyến thăm đó hai nước thỏa thuận soạn thảo hiệp định về dẫn độ, và Bản ghi nhớ về vấn đề hợp tác chống nạn buôn bán trẻ em và phụ nữ.
Trong cuộc phòng vấn dành cho Đài Á Châu Tự do ngay sau phiên xử hồi tháng chín năm ngoái, ông Lý Tống cho rằng kết luận vi phạm không phận mà phía toà án đưa ra không thể là tội bị dẫn độ.
Ông Lý Tống cũng nói việc làm của ông là vì động cơ chính trị và theo Đạo Luật Trục xuất của Thái năm 1992 thì không thể trục xuất một tù chính trị.
Chuẩn bị rời Thái Lan về Mỹ
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Hiện thời ông Lý Tống vẫn còn dưới sự giám sát của cơ quan nhập cư Thái để hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh. Theo luật sư Worasit thì ông Lý Tống có thể rời Thái Lan về Mỹ trong vòng ba ngày.
Hồi trung tuần tháng 11 năm 2000, ông Lý Tống đã sử dụng một máy bay nhỏ của Thái Lan bay sang Việt Nam và rải một số số truyền đơn xuống thành phố Hồ Ch1i Minh và Tây Ninh. Khi bay về lại Thái ông bị bắt ở sân bay U Tapao.
Sau đó ông bị kết án 7 năm bốn tháng tù. Bản án được giảm và ông được trả tự do hồi tháng năm năm 2006; tuy nhiên ngay sau đó thì ông bị bắt lại để chờ quyết định dẫn độ về Việt Nam.
Hồi năm 1992, ông cũng từng uy hiếp một máy bay của Việt Nam Airlines để rải truyền đơn xuống thành phồ Hồ Chí Minh. Khi đó sau khi rải truyền đơn ông nhảy dù xuống và bị bắt giam 6 năm tù.
Ông Lý Tống là cựu phi công Quân lực Việt Nam Cộng hoà và đã sang định cư ở Hoa Kỳ và có quốc tich Mỹ. Năm nay ông 62 tuổi.
Gia Minh tường trình từ Bangkok.